Toàn cảnh sự kiện
Tại Hội nghị, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (KTS&XHS) cho biết, kinh tế số đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế số vượt trội so với tăng trưởng kinh tế nói chung trên toàn thế giới. Ngay trong nhóm các nước phát triển, chẳng hạn ở Mỹ, kinh tế số tăng trưởng khoảng 6,3%, cao hơn nhiều so với mức 1,9% của GDP. Các dịch vụ trực tuyến như thương mại điện tử, nội dung trực tuyến và điện toán đám mây chiếm khoảng 40 – 50% tỷ trọng kinh tế số.
Tại Trung Quốc, công nghệ số đóng vai trò lớn trong thúc đẩy năng suất trong các hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, với kinh tế số trong công nghiệp và nông nghiệp lần lượt chiếm 24% và 10,5%.
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ KTS&XHS trình bày về tình hình đo lường, thúc đẩy kinh tế số trên thế giới và tại Việt Nam
Ở Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế số đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã được ban hành. Đến nay, quy mô kinh tế số Việt Nam được đóng góp chủ yếu bởi sản phẩm, dịch vụ công nghiệp CNTT, chiếm đến hơn 60% quy mô kinh tế số. Năm 2023, doanh thu ngành CNTT đạt 138,5 tỷ USD với hơn 45.500 doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu phát triển tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP đến năm 2030 thì tốc độ tăng trưởng quy mô kinh tế số phải đạt khoảng 20%/năm. Không gian phát triển kinh tế số lúc này là kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thống kê Việt Nam
Ông Tuấn cũng nêu một số đặc điểm nổi bật của kinh tế số. Thứ nhất, dữ liệu trở thành yếu tố sản xuất mới với tính tức thời, khai thác đa bên và năng suất cận biên tăng theo quy mô, mang lại giá trị lớn hơn khi sử dụng nhiều. Thứ hai, kinh tế số có tính thẩm thấu và vô hình, hỗ trợ các hoạt động kinh tế thực và tạo ra sản phẩm dưới dạng số. Thứ ba, tính liên ngành và kết nối cao giúp vượt qua ranh giới địa lý và ngành nghề, tạo ra mạng lưới kết nối toàn cầu và xuyên biên giới. Thứ tư, phương thức sản xuất mới và mô hình kinh doanh mới xuất hiện, như người ảo, kinh tế chia sẻ và nền tảng số. Cuối cùng, kinh tế số có tốc độ cải tiến và đổi mới liên tục, nhanh chóng.
4 nhóm mô hình đo lường kinh tế số trên thế giới
Nhắc lại chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT "Muốn quản lý được, muốn thúc đẩy được kinh tế số thì phải đo lường và đánh giá được kinh tế số", Vụ trưởng Vụ KTS&XHS cho biết để đo lường KTS, trên thế giới hiện có 4 nhóm mô hình đo lường chính: Sử dụng bộ chỉ tiêu tổng hợp; Đo lường tốc độ tăng trưởng của kinh tế số; Đo lường tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP; Đo lường kinh tế số theo phúc lợi người tiêu dùng hay ước lượng giá trị đóng góp của các sản phẩm, dịch vụ mới, không phát sinh giá/giá bằng 0 (GDP-B).
Ông Phạm Bình An - Phó VIện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TPHCM
Hiện Tổng cục Thống kê Việt Nam đang sử dụng bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số trên cơ sở Thông tư 13/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Bộ chỉ tiêu thống kê này áp dụng mô hình đo lường sử dụng bộ chỉ tiêu tổng hợp.
Ông Tuấn cho biết mỗi quốc gia và tổ chức lựa chọn các phương pháp đo lường kinh tế số theo những góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau, định nghĩa nội hàm khác nhau, dẫn đến kết quả khác nhau và còn nhiều khoảng cách. Mặc dù các quốc gia đang nỗ lực cải thiện nguồn số liệu để tiệm cận kết quả, chưa có phương pháp nào đạt được sự đồng thuận của ít nhất 5 quốc gia trở lên.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Các cơ quan đưa ra số liệu về kinh tế số trên thế giới gồm cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan thống kê. Một số quốc gia như Singapore và Trung Quốc lại sử dụng các số liệu công bố từ các cơ sở nghiên cứu.
Ông Tuấn nhấn mạnh, việc đo lường tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GDP cũng chỉ là một chỉ tiêu. Quan trọng là chúng ta cần tìm ra các giải pháp thúc đẩy toàn diện các chỉ tiêu khác trong Thông tư 13/2021/TT-BKHĐT để kinh tế số được phát triển một cách hiệu quả và thực chất.
Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thống kê Việt Nam tham luận tập huấn với chủ đề "Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số Việt Nam" bám sát các chỉ tiêu trong Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT. Ông Đoàn nhấn mạnh Tổng cục Thống kê năm 2023 cũng đã công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước cho cả nước và các địa phương – đây chính là chỉ tiêu số 0101 của Thông tư này.
Đại diện Cục Viễn thông – Bộ TT&TT đã trình bày bài tham luận về hướng dẫn đo lường một số chỉ tiêu kinh tế số tại địa phương trên góc độ các chỉ tiêu thuộc phạm vi chuyên ngành của Cục Viễn thông. Các chỉ tiêu này hiện được đo lường và cập nhật đến tháng 4/2024 và được thể hiện trên dashboard của Bộ TT&TT.
Nghiên cứu ước lượng chỉ tiêu GRDP kinh tế số - góc nhìn của TP. HCM
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM cho biết, khi chưa có hướng dẫn chính thức từ Tổng cục Thống kê, việc ước lượng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của TP. HCM dựa trên dữ liệu từ các báo cáo doanh nghiệp của Sở Thông tin và Truyền thông trong hai năm 2019 và 2020, cùng với các số liệu về GDP kinh tế số từ Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Company. Các dữ liệu này được sử dụng để tính toán đóng góp của các ngành kinh tế số lõi vào GRDP của thành phố. Phương pháp ước lượng nội suy tuyến tính hai chiều được vận dụng để ước lượng quy mô GRDP kinh tế số của TP.HCM và tỷ trọng so với tổng GRDP của thành phố là:
Cũng tại Hội nghị, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, các Sở TT&TT Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và một số Sở khác đã sôi nổi trao đổi, thảo luận những vấn đề còn vướng mắc liên quan đến đo lường các chỉ tiêu về kinh tế số.
Kết thúc Hội nghị, ông Trần Minh Tuấn đánh giá cao các ý kiến đóng góp và khuyến khích các Sở TT&TT tiếp tục gửi những khó khăn, vướng mắc về Vụ KTS và XHS để tổng hợp giải đáp thắc mắc và cùng giải quyết. Trong quý III năm nay, Vụ sẽ phối hợp với Sở TT&TT TPHCM cùng thực hiện đo mẫu về kinh tế số tại thành phố này để từ đó làm điểm, nhân rộng ra các tỉnh thành khác, ông Tuấn cho biết.
Giang Phạm (https://mic.gov.vn/)