Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê).
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ quan điểm ủng hộ và khá lạc quan trước cơ hội mà CPTPP đem lại.
CPTPP đã chính thức có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sắp được ký kết, như vậy, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 11/16 FTA. Thưa ông, mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của doanh nghiệp ra sao?
Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết và tham gia hàng loạt FTA song phương và đa phương.
Theo kết quả khảo sát và đánh giá về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam do các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện, thì nhìn chung, đa số doanh nghiệp biết đến và bắt đầu tìm hiểu về các FTA. Cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ quan điểm ủng hộ và khá lạc quan trước cơ hội mà CPTPP cũng như FTA khác đem lại, trong đó đã có nhiều doanh nghiệp bước đầu có kế hoạch hội nhập. Còn theo kết quả khảo sát doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê tổ chức gần đây, các doanh nghiệp trả lời về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế khá tích cực.
Cụ thể, có tới 94,5% doanh nghiệp đã biết đến các FTA mà Việt Nam tham gia; gần 84% số doanh nghiệp ủng hộ việc tham gia các FTA, trong đó 53,3% doanh nghiệp rất ủng hộ và 30,6% doanh nghiệp ủng hộ nhưng vẫn lo lắng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương, có trên 86% doanh nghiệp biết đến CPTPP. Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp chưa hiểu cam kết CPTPP sẽ tác động thế nào tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí không ít doanh nghiệp cảm thấy choáng ngợp, chùn bước trước sân chơi mới rộng mở hơn, nghiêm ngặt hơn các sân chơi hiện nay.
Doanh nghiệp đánh giá mức độ ảnh hưởng của các FTA đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ra sao. Để hội nhập được với sân chơi toàn cầu, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan nhà nước hỗ trợ những gì, thưa ông?
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê thì có 76,8% doanh nghiệp cho rằng, tham gia các FTA ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Minh chứng là, hơn 81% số doanh nghiệp cho rằng bị tác động bởi Hiệp định về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); tiếp đến là CPTPP (hơn 77%); Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) hơn 69%; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) là 62,4%; EVFTA là 61%; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu (EAEU) là 57,6%...
Doanh nghiệp cho biết, các cam kết về thương mại hàng hóa trong các FTA tác động nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp đến là các cam kết về đầu tư, thương mại điện tử và chính sách cạnh tranh…, nhưng chủ yếu là tác động tích cực.
Điều này cho thấy, nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp mong muốn mở cửa thị trường, chấp nhận cạnh tranh, nhưng để có thể cạnh tranh được, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về các FTA; được thông tin đầy đủ và kịp thời về các thị trường nước ngoài và muốn được cung cấp đầy đủ, kịp thời về thị trường trong nước để tận dụng cơ hội “sân nhà” trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
Với 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng thì khu vực doanh nghiệp liệu có được hưởng lợi?
Khu vực doanh nghiệp hiện đóng góp trên 60% vào GDP, chắc chắn sẽ là lực lượng chủ yếu tham gia và chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hội nhập quốc tế.
Như tôi đã nói, đại đa số doanh nghiệp đánh giá cao việc tham gia các FTA vì cho rằng sẽ tìm kiếm được lợi ích từ đây. Chẳng hạn, 96,35% doanh nghiệp cho rằng, có cơ hội để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; 95,33% doanh nghiệp tin rằng Việt Nam càng hội nhập thì cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài càng cao, họ sẽ tìm kiếm được lợi ích từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài qua việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ; 94,77% doanh nghiệp tin là, sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu; 91,84% doanh nghiệp nhận định, cơ hội mà các FTA đem lại nhiều hơn thách thức; 88,73% doanh nghiệp khẳng định các FTA chính là sức ép để các cơ quan nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục giấy tờ; 88,52% doanh nghiệp cho biết, các FTA tạo nhiều cơ hội cho họ mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khi mở rộng hội nhập, muốn thành công, bắt buộc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo phải áp dụng công nghệ cao. Thưa ông, trong những năm qua, khu vực doanh nghiệp này áp dụng công nghệ cao thế nào?
Trong những năm qua, ngành công nghiệp có sự chuyển đổi cơ cấu theo hướng tích cực, chuyển từ chủ yếu dựa vào khai khoáng (dầu thô, khí đốt thiên nhiên và than đá) sang phát triển ngành chế biến, chế tạo. Trong khi ngành khai khoáng liên tục giảm trong những năm qua, thì ở chiều ngược lại, kể từ năm 2015, ngành chế biến, chế tạo luôn có mức tăng trưởng trên 2 con số.
Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua, ngành chế biến, chế tạo, nhất là lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; lọc, hóa dầu; sản xuất kim loại, thuốc, hóa dược và dược liệu... có chuyển biến khá tích cực theo hướng mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh.
Với sự chuyển biến như trên, doanh nghiệp chế biến, chế tạo áp dụng công nghệ cao đã sẵn sàng tham gia các FTA.
Tác giả Mạnh Bôn / baodautu.vn
06/01/2019